Bánh Trung Thu – Hương vị tình thân

Hương vị của tình thân

Khi xưa, vào đếm rằm tháng Tám, những người nông dân sẽ soạn mâm cỗ trông trăng thịnh soạn như món quà tạ ơn trời đất đã mang tới mùa màng bội thu. Mâm cỗ dâng lên thường có các thức quả được tạo hình đẹp mắt và không thể thiếu được bánh Trung thu. Chiếc bánh ban đầu được chính những người trong gia đình tạo ra, gói ghém không chỉ là sản vật quê hương mà còn gói cả tình thân, cả một nếp sống văn hóa đã đi vào tâm hồn người Việt biết bao thế hệ.

Theo thời gian, Tết Trung thu dần trở thành một dịp lễ quan trọng trong năm, biểu tượng của sự quây quần, đoàn viên, nhắc nhờ mỗi người con xa quê nào cũng phải trở về. Đó cũng là thức quà người ta trao tay nhau một cách trân trọng như một món ăn chứa đựng giá trị tinh thần vô cùng lớn lao.

Hội tụ giá trị nhân văn của người Việt

Bên cạnh dấu ấn về một nền nông nghiệp lúa nước nói chung, Tết Trung Thu còn hội tụ những gía trị nhân văn của người Việt như tình cảm gia đình, sự trân trọng với truyền thống văn hoá dân tộc và đặc biệt là sự ưu ái với trẻ thơ.

Tết Trung thu thấm đượm tình cảm gia đình. Theo phong tục của người Việt, vào dịp tết Trung Thu, cha mẹ tùy theo điều kiện gia cảnh mà bày cỗ, thể hiện tình cảm và sự quan tâm của mình tới con cái. Ngược lại, con cháu cũng mua quà bánh biếu ông bà, cha mẹ để tỏ tình hiếu thảo, lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành. Tình cảm gia đình vì thế càng thêm gắn bó keo sơn. Đến rằm Tháng Tám, dù đi đâu về đâu, dù bận rộn, nhiều người vẫn không quên thắp nén tâm hương dâng ông bà tổ tiên; dù bao bộn bề bon chen, vẫn còn không ít người mê thú ngắm hoa thưởng nguyệt. Đêm Trung Thu, người ta vẫn muốn quây quần bên nhau trong ngôi nhà hạnh phúc, trong không khí yên vui sum vầy với người thân yêu của mình. Tết Trung Thu vì thế cũng chính là tết Đoàn viên.

Cũng nhờ tết Trung Thu, các tình cảm và mối quan hệ tốt đẹp khác của con người cũng được nuôi dưỡng, bồi đắp. Đó là dịp để con người qua lại thăm nom nhau, bày tỏ lòng tri ân, tình thân ái như nghĩa thầy trò, tình bằng hữu… Mặt khác, theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì người Lạc Việt cứ mùa thu tháng tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau. Như vậy, mùa thu cũng là mùa của thành hôn, mùa của tình yêu đôi lứa.

Không chỉ thể hiện tình cảm đời thường của con người, tết Trung Thu còn là dịp để người Việt bày tỏ sự trân trọng với truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngay giữa thủ đô Hà Nội hiện đại, phồn hoa, vẫn còn không ít gia đình tha thiết gìn giữ hương vị Trung thu truyền thống qua những món ăn dân dã mà kỳ công như: bánh đúc, ngan om chua làng Bưởi, bánh dẻo – bánh nướng Bảo Phương, bánh cốm làng Vòng… Những nét đẹp thuần phong mỹ tục, văn hóa ẩm thực cổ truyền, sự tinh tế trong ứng xử của người Việt đã hội tụ về trong mỗi dịp Trung Thu.

Đặc biệt, ở Việt Nam, tết Trung Thu đã trở thành ngày tết của thiếu nhi. Cũng giống như đêm Noel huyền thoại của các nước phương Tây, Trung Thu là ngày hội của trẻ thơ Việt Nam, gắn với những giấc mơ hồn nhiên của trẻ nhỏ về một thế giới kỳ diệu và tốt lành. Trong dịp này, nhiều em nhỏ mồ côi lang thang cơ nhỡ, đói nghèo, bệnh tật… đã có được niềm hạnh phúc bình dị như ăn những món ngon, chơi những trò chơi lí thú, được sống trong tình cưu mang, chia sẻ, được thả hồn lên tận cung trăng với những giấc mơ cổ tích tuyệt vời… Nhiều chương trình thiện nguyện được tổ chức đều đặn vào dịp rằm tháng tám trong những năm gần đây đã đem lại nhiều niềm vui lớn cho tuổi thơ. Đêm Trung Thu, dưới ánh sáng lung linh huyền ảo của chị Hằng, các em thực sự được sống trong một không gian văn hoá, trong thế giới trẻ thơ kỳ diệu và trong trẻo của mình… Đây là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam mà không nhiều quốc gia trên thế giới có được.

Như vậy, tết Trung Thu, với những giá trị văn hóa cao đẹp, đã góp phần làm nên điệu hồn dân tộc, bản sắc văn hóa của người Việt. Giữ gìn và phát huy vẻ đẹp thuần hậu, nguyên sơ của tết Trung thu trong bối cảnh toàn cầu hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là việc làm cần thiết và có ý nghĩa hiện nay.
– Theo Việt Nam Thịnh Vượng –

1
Bạn cần hỗ trợ?
zalo Nhathuocz159

0988.746.042

0983.746.042

hotline nhathuocz159